Ngăn mát tủ lạnh nhưng lại bị đông đá, nguyên nhân do đâu? Dưới đây là 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Bạn nên điều chỉnh ngay để tủ lạnh không bị hư hỏng kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình bảo quản thực phẩm.
Một thiết kế tủ lạnh thường có 2 ngăn là ngăn mát và ngăn đông. Ngăn đông thường ở mức -18 độ dùng để bảo quản thực phẩm tươi sống. Ngăn mát có nhiệt độ khoảng 0-4 độ để bảo quản các loại rau củ quả, thức ăn chín,…Khi ngăn mát lại bị đông đá chứng tỏ bạn đã sử dụng sai cách hoặc tủ lạnh đã gặp phải trục trặc.
– Cài đặt nhiệt độ tủ lạnh quá thấp:
Có thể bạn đang để mức nhiệt độ trên ngăn mát tủ lạnh ở vị trí MAX, tức là mức nhiệt độ lạnh nhất. Bạn nên điều chỉnh lại mức nhiệt độ về trung bình. Ví dụ: Máy có 3 nấc thì nên chuyển về nấc thứ 2, có 6 nấc thì nên điều chỉnh về nấc thứ 3.
– Thức ăn quá nhiều, để chèn lên dàn lạnh
Thức ăn bên trong tủ lạnh không được sắp xếp hợp lý, bạn nhồi nhét chúng bít kín các khe hở thoát nhiệt của tủ lạnh. Những món thực phẩm trong cùng, tiếp xúc trực tiếp với bộ phận dàn lạnh bị đông cứng. Hơi lạnh bị ngăn, không tỏa ra đều cũng dễ làm hỏng rơ-le nhiệt của tủ lạnh.
Bạn nên trữ một lượng thực phẩm vừa đủ và lưu ý không chèn kín thức ăn nơi dàn lạnh.
– Bộ cảm biến nhiệt độ tủ lạnh (Thermostat) hư hỏng
Cảm biến nhiệt là bộ phận điều chỉnh và duy trì mức nhiệt độ cần thiết trong tủ lạnh. Khi nhiệt độ lạnh đạt yêu cầu chúng sẽ tự ngắt để không cho lạnh thêm và khi nhiệt độ tăng bộ phận này sẽ điều chỉnh dòng điện chạy lại.
Trong trường hợp Thermostat bị hư hỏng, block của tủ lạnh sẽ chạy mãi không dừng, chính vì vậy mà tủ càng lạnh sâu hơn và làm đông các thức ăn để trong ngăn mát. Bạn cần khắc phục sớm nếu không tủ lạnh sẽ nhanh hư hơn và lượng điện tiêu thụ cũng sẽ tăng đột biến.
3 nguyên nhân trên đây là những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến tủ lạnh có ngăn làm mát bị đông đá. Bạn nên điều chỉnh lại cách sử dụng tủ lạnh và với trường hợp hư hỏng bộ phận bên trong thì nên liên hệ sớm đến đội ngũ sửa chữa để điều chỉnh và thay mới.